Tọa đàm về họa sĩ Lê Văn Miến – 28.10.2014

(Đi hóng chuyện các cụ)

THÔNG BÁO TỌA ĐÀM – Viện Mỹ Thuật

GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU, PHÁT HIỆN MỚI VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ LÊ VĂN MIẾN

Họa sĩ Lê Văn Miến (Lê Huy Miến) (1874 – 1943), sinh ra trong một gia đình khoa bảng tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân sinh họa sĩ Lê Văn Miến là Lê Năng Nghiệm (Lê Huy Nghiệm) từng giữ nhiều chức quan, trong đó có chức Án sát tỉnh Hải Dương thời nhà Nguyễn.

Năm 1889, triều đình Đồng Khánh chọn ba người con của ba quan chức, gửi sang Pháp để học Trường Thuộc Địa (École Coloniale) tại Paris trong chương trình tuyển chọn và đào tạo quan chức để làm việc cho chính quyền thuộc địa Pháp, một trong số đó là Lê Văn Miến. Trong thời gian ở Paris, Lê Văn Miến đã học trường Thuộc địa và theo học hội họa với GS Jean-Léon Gérome trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Paris. Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên học vẽ sơn dầu ở một trung tâm nghệ thuật của châu Âu vào thời đó.

Về nước năm 1895, Lê Văn Miến từng phụ trách vẽ minh họa cho nhà in Schneider tại Hà Nội. Sau này, cuộc đời ông gắn bó nhiều với sự nghiệp dạy học. Năm 1899, ông làm Đốc giáo trường Pháp Việt tại Vinh. Lê Văn Miến đã dạy tại trường Quốc học Huế từ 1907-1913 và trường Hậu Bổ (École des Mandarins). Năm 1923, ông giữ chức Tế Tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám Huế.

Do hoàn cảnh lịch sử, Lê Văn Miến ít có thời gian sáng tác nghệ thuật, chủ yếu tập trung vào sự nghiệp dạy học và đã đào tạo được nhiều học trò sau này trở thành những danh nhân chính trị, văn hóa của Việt Nam. Hiện nay, tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến còn lại không nhiều.

Nhằm công bố những kết quả của hoạt động nghiên cứu, phát hiện mới về một số tranh của họa sĩ Lê Văn Miến hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và sưu tập tư nhân, Ban Mỹ thuật Hiện đại thuộc Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giới thiệu nghiên cứu, phát hiện mới về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến”.

Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề chính như sau:

– Các phát hiện mới nhất về những tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Văn Miến

– Các phát hiện mới nhất về thời kỳ họa sĩ Lê Văn Miến học hội họa tại Paris

– Kỹ thuật hội họa, phong cách nghệ thuật của họa sĩ Lê Văn Miến

– Bước đầu nhận định sự nghiệp nghệ thuật của họa sĩ Lê Văn Miến

– Các chủ đề liên quan

TỌA ĐÀM KHOA HỌC

GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU, PHÁT HIỆN MỚI VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ LÊ VĂN MIẾN

Chương trình: 8:00 Tiếp đón đại biểu

– 8:30: Khai mạc, giới thiệu đại biểu, Chủ tịch đoàn

– Tham luận và phát biểu ý kiến của các đại biểu

– 12:00 Nghỉ trưa

– 13:30 Tọa đàm tiếp tục thảo luận

– 16:30 Kết thúc tọa đàm

Danh sách tham luận:

1 – Nguyễn Ánh Nguyệt: Hai bức tranh mới phát hiện và hướng nghiên cứu, bảo quản tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến

2 – Vũ Huy Thông: Kỹ thuật của một họa sĩ bậc thời

3 – Nguyễn Hải Yến: Hành trình tìm tranh họa sĩ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến)

4 – Nguyễn Đình Đăng: Lê Văn Miến – Antonello Da Messina của Việt Nam

Thảo luận

5 – Lê Huy Trấp: Họa sĩ Lê Văn Miến

6 – Nguyễn Thị Loan: Cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến

7 – Bùi Như Hương: Vài suy nghĩ về họa sĩ Lê Huy Miến và thể loại tranh chân dung

8 – Phạm Trung: Họa sĩ Lê Văn Miến và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Thảo luận

Tranh của họa sĩ Lê Văn Miến:

1. Bình Văn (được cho là của Lê Văn Miến), Bảo tàng Mỹ thuật VN

Binh_van2. Chân dung cụ Tú Mền, Bảo tàng Mỹ thuật VN

ChanDungCuTuMen3. Chân dung cụ Lê Hy, nhà họ Lê – TP.HCM

chan dung cu Le Hy4. Chân dung ông Nguyễn Khoa Luận, chùa Ba La Mật – Huế

Chân dung ông Nguyễn Khoa Luậnonkl5. Chân dung bà Nguyễn Khoa Luận, chùa Ba La Mật – Huế

chan dung ba Nguyen Khoa Luan6. Chân dung ông Phan Văn Du (được cho là của Lê Văn Miến), nhà họ Phan – TP.HCM

hoa van tren ao_pvd7. Chân dung bà Phạm Thị Thợi (được cho là của Lê Văn Miến), nhà họ Phan – TP.HCM

Một vài ghi chép từ các tham luận:

1 – Nguyễn Ánh Nguyệt: Hai bức tranh mới phát hiện và hướng nghiên cứu, bảo quản các tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến

– Việc phát hiện 2 bức tranh ông bà Phan Văn Du.

– Việc phục chế bức Bình Văn: Khi bức Bình Văn được đưa sang Viện mỹ thuật Dresden (Đức) để tu sửa, chuyên gia ở đây phát hiện bức tranh được phủ lớp varnish lạ, không phải dùng cho sơn dầu. Bà Ánh Nguyệt cho rằng đó là chất liệu cho sơn mài và khẳng định ở bảo tàng Mỹ thuật VN không ai phủ véc-ni hay sửa chữa gì bức Bình văn.

2 – Vũ Huy Thông: Kỹ thuật của một họa sĩ bậc thầy

4 bức tranh chắc chắn của Lê Văn Miến: chân dung cụ Lê Hy, chân dung cụ Tú Mền, chân dung ông & bà Nguyễn Khoa Luận.

Bức tranh cụ Lê Hy có thần thái sống động, nhất là đôi mắt, thấy rõ đôi mắt kèm nhèm của người già. Chỗ bắt sáng mạnh được vẽ dày. Các nếp áo bị nứt nhiều.

Chân dung cụ Tú Mền ít nứt nhưng bị rụng sơn, lộ toan, do chuẩn bị nền không tốt.

Chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận không sử dụng các kỹ thuật quen thuộc của màu nước. Vẽ đục, nét mảnh, chi tiết, đôi chỗ dùng bột màu. Chân dung cụ bà có dùng cát màu (kim sa) để trang trí. Trong chân dung cụ ông (là một thiền sư) có thể đọc được trang kinh bát nhã trên cuốn sách. Bức chân dung vẽ từ ảnh chụp sau khi cụ Nguyễn Khoa Luận đã qua đời. Hai bức tranh thể hiện sự kiên nhẫn, tài khéo của họa sĩ. Vũ Huy Thông cho rằng chân dung được vẽ khoảng 1914-1918.

Đối với 2 bức chân dung cụ ông Phan Văn Du và bà Phạm Thị Thợi, tranh đã qua tu sửa trước đây. Màu nền ở dưới có màu khác. Hai bức tranh được lưu giữ qua nhiều con cháu dòng họ Phan. Ánh sáng trong tranh có phần vô lý. Vũ Huy Thông cho rằng 2 bức tranh được vẽ vào khoảng 1898 – 1907 (căn cứ theo sách của Nguyễn Khắc Phê và lời kể của con cháu họ Phan).

Bức Bình Văn: dựa theo nghiên cứu của Thái Bá Vân. Bột thạch cao, trắng chì, vẽ lót mỏng — láng, khác lối vẽ trực tiếp alla prima như các bức chân dung cụ Lê Hy hay cụ Tú Mền. Bình Văn được đột lỗ can hình, bức vẽ chưa hoàn chỉnh và vẽ lại từ ảnh chụp (bài đăng năm 2009 của Hà Vũ Trọng).

3 – Nguyễn Đỗ Bảo:

Bức Bình Văn có bố cục như hình kim tự tháp tạo sức nặng cho bức tranh. Cụ Miến không vẽ tranh phong cảnh, chỉ vẽ chân dung – tranh thờ, có phải do xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX chưa thích thú với hội họa như một loại hình nghệ thuật? Sơn dầu ban đầu được vẽ mỏng — có thể là ảnh hưởng từ tranh lụa, lối vẽ phương đông, truyền thống dân tộc, màu tranh cũng là gam màu truyền thống.

Về tên của cụ Miến, Nguyễn Đỗ Bảo thích gọi cụ là Lê Huy Miến.

4 – Nguyễn Hải Yến: Hành trình tìm tranh họa sĩ Lê Văn Miến.

Bà Hải Yến là người trực tiếp mua bức Bình Văn với giá 900 đồng (lương của bà vào thời điểm đó là 74 đồng) từ gia đình ông Nguyễn Mạnh Quân ở phố Khâm Thiên, không lâu trước trận bom năm 1972. Mấy ngày sau trận bom, quay lại căn nhà đổ vỡ, ông Quân đang dọn dẹp, nơi treo bức tranh chỉ còn là một ảo ảnh chập chờn… Bức Bình Văn không đề tên tác giả, có thể do vẽ theo ảnh chụp nên không đề tên, cũng có thể do vẽ chưa xong. Theo lời kể của gia đình ông Quân, bức tranh là do cụ Miến vẽ.

Cụ Miến vẽ nhiều tranh: chân dung Đào Tấn, Khải Định, Thành Thái, Hoàng Cao Khải….nhưng hiện thất lạc. Đến năm 2014 đã tìm được 7 tác phẩm.

Bà Hải Yến cho biết theo lời Lê Văn Chương (trưởng nam của cụ Miến) và Lê Thước, tên cụ là Lê Huy Miến.

5 – Nguyễn Đình Đăng: Lê Văn Miến – Antonello Da Messina của Việt Nam

Ngày xưa, tranh sơn dầu vẽ trên gỗ, vẽ mỏng. Sơn dầu ngày nay bị hỏng khủng khiếp, bị phá bởi trường phái hiện đại.

Một số nghi vấn về họa sĩ Lê Văn Miến:

– Tên cụ là Lê Văn Miến hay Lê Huy Miến?

– Theo sách của Phạm Đản viết năm 1965: Do thích vẽ, cụ Miến sau khi tốt nghiệp trường Thuộc địa đã không về nước mà ở lại học vẽ tại trường Mỹ thuật Paris

– Theo sách của Phan Kim Khôi: Lê Văn Miến xin ở lại học Mỹ thuật Paris, bị Gerome đối xử khắt khe nhưng vẫn học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc 2 trường thuộc địa và Mỹ thuật Paris.

– Lê Văn Miến bị mật vụ làm khó dễ, ông được Hội đồng trường Mỹ thuật Paris cử sang Rome để học hỏi và trang trí tòa thánh Vatican nhưng cuối cùng tên ông bị loại khỏi danh sách vì Tổng trưởng thuộc địa bác bỏ.

Những thông tin này liệu có chính xác? Nếu cụ được cử sang Rome trang trí tòa thánh thì thật là vinh dự lắm vì chỉ có Michelangelo, Raphael mới làm được điều này.

Theo Đại Nam Thực Lục Chính biên, cụ sang Pháp năm Thành Thái thứ 1, tháng 1-1889. Đi tàu thủy khoảng 6 tháng.

Trường Mỹ thuật Paris đã có nhiều lần đổi tên, giải thưởng Prix de Rome (giải thưởng La Mã) có từ năm 1663. 1816 Trường Mỹ thuật Paris chuyển về số 14 Bonaparte. 1968 Prix de Rome bị bãi bỏ.

Về trường Mỹ thuật Paris cuối thế kỷ 19 (1889 – 1990) (khoảng thời gian cụ Miến ở Paris): Có 2 loại học sinh: Học sinh chính thức và học sinh tại xưởng của giáo sư.

– Để là học sinh chính thức cần thi qua 2 vòng loại:

Vòng 1: vẽ dessin giải phẫu xương 2 tiếng, luật viễn cận 4 tiếng, lịch sử đại cương hoặc vấn đáp.

Vòng 2: hình họa mẫu thực (12 tiếng), hình họa tượng cổ đại (12 tiếng), kiến thức cơ bản (6 tiếng).

Công dân ngoại quốc muốn học chính thức cần có giấy giới thiệu của đại sứ, bộ trưởng, phải qua 1 kỳ thi tiếng Pháp cực khó.

Học sinh chính thức được tham gia các cuộc thi trong trường. Trường không cấp bằng cho hội họa, học sinh học xong có thể ở lại luyện nghề tại các xưởng.

– Học sinh tại xưởng: Có thể mang bài vẽ cho GS ở xưởng xem, nếu GS đồng ý là được nhận vào học.

Có 3 xưởng hội họa: Gerome (1864 – 1904), Leon Bonnat (1880 – 1905). Moreau (1892 – 1898), xưởng hình họa – W. Bouguereau, 1888 – 1905.

Có nhiều concours khác nhau, có cả concours cho học sinh ngoài trường.

Các khóa giảng: lịch sử, giải phẫu, luật viễn cận, toán và cơ, hình học, vật lý, hóa học, kiến trúc xây dựng, hình họa trang trí, văn học, khảo cổ, lịch sử mỹ thuật, thẩm mỹ học.

Trường cấp chứng chỉ học tập cho học sinh đã vào vòng chung kết Prix de Rome hoặc đoạt một số giải khác.

Mức sống cho giáo sư hội họa khá cao. Sinh viên không phải đóng học phí, chỉ đóng một khoản tiền nhập xưởng và tiền chào mừng, tổng cộng khoảng 50 Fr.

Trước khi vẽ sơn dầu, sinh viên phải học hình họa thật hoàn thiện. Phải vẽ tượng thành thạo, có khả năng vẽ theo trí nhớ.

Kỹ thuật sơn dầu tại Trường MT Paris tk.19

Kỹ thuật vẽ nhiều lớp, gồm các bước:

– Le Sauce: vẽ đơn sắc bằng màu nâu đỏ — lên sáng tối, diễn khối

– Vẽ lót: vẽ màu đục (trắng, đen, các màu đất), phủ toàn bộ tranh

– Vẽ láng, tỉa, xóa vệt bút, nhấn điểm sáng, làm bức tranh tươi mới (do vẽ nhiều lớp rất lâu, có thể dẫn tới mệt mỏi)

Một số bức tranh nổi tiếng của thời kỳ này như Cái chết của Sardanapalus, chiếc bè Medusa, … bị tối rất nhanh do dùng nhiều đen nhựa đường.

William Bouguereau: Trong trào lưu hiện đại, tranh của Bouguereau không được ưa chuộng nhưng ngày nay, khi chất lượng hình họa và tranh sơn dầu xuống cấp trầm trọng, đã đến lúc cần xem lại các giá trị cũ.

Pix de Rome: giải thưởng của Viện Mỹ thuật Pháp

Thí sinh phải là người gốc Pháp hoặc có quốc tịch Pháp.

Vòng 1: thí sinh bị nhốt trong studio, không mang tài liệu, vẽ 12 tiếng, bài thi là 1 phác thảo sơn dầu, đề tài do Viện Hàn Lâm ra. Vòng này chọn ra 20 thí sinh.

Vòng 2: Thí sinh bị nhốt trong studio, vẽ mẫu khỏa thân nam. Bài thi 28 tiếng, mỗi phiên vẽ 7 tiếng, chọn ra 10 thí sinh.

Vòng 3 (Chung kết): Thí sinh vẽ ở các lô riêng tại trường, có người coi thi, một số lô che rèm đen để tránh nhìn bài. Bài thi vẽ một tranh sơn dầu hoàn chỉnh. Vẽ hoàn toàn theo trí nhớ, không dùng tài liệu, phác thảo 36 tiếng, tranh hoàn thiện vẽ 72 tiếng, không được khác quá nhiều so với phác thảo.

Bài thi ở vòng chung kết được triển lãm cho công chúng xem trước khi công bố kết quả. Người đoạt giải Grand Prix sẽ sang Ý tu nghiệp 3 – 5 năm, ở tại biệt thự và vẽ tự do, không chịu bất kỳ ràng buộc nào. Những người đoạt giải sau khi quay về Pháp, trở thành dành họa hay không chưa biết, nhưng thường sẽ nhận được nhiều hợp đồng và trở nên giầu có.

Matisse cho rằng trường Mỹ thuật Paris là máy xay thịt.

Đi tìm tung tích họa sĩ Lê Văn Miến:

2 tháng 7.2014: Nguyễn Đình Đăng gửi thư cho hiệu trưởng trường MT Paris. Thư được chuyển tới Dr. E. Schwartz, giám đốc lưu trữ của trường.

18/7: Tìm kiếm đợt 1. Không tìm thấy tên Lê Văn Miến trong danh sách sinh viên chính thức và sinh viên tại xưởng của các GS.

22/7: Tìm thấy 2 người Annam học tại xưởng của trường:

Nguyễn Trang Thúc, học tại xưởng J.L. Gérome, vào xưởng ngày 20.10.1892

Nguyen Ho, điêu khắc, 1893.

Ngô Viết Thụ là người Việt duy nhất đoạt giải Grand Prix (về kiến trúc) năm 1955. Ông là người thiết kế Dinh độc lập.

Tìm kiếm đợt 2: Danh sách người Việt học tại Mỹ thuật Paris sau 1900 rất đông, trong đó có họa sĩ Nam Sơn.

Tìm đợt 3: Đảo tên Lê Văn Miến.

25/7: Dr. E. Schwartz gửi 11 trang hồ sơ về Miến Lê:

– Sinh 13.3.1874 tại Vinh, Bắc Kỳ.

– Học sinh trường Thuộc Địa

– Vào xưởng họa của Gérome ngày 20.10.1890

– 1892: Gérome viết thư giới thiệu cho biết: là một học sinh siêng năng, tiến bộ nhanh, là một trong các học trò giỏi của ông.

– 1894, được Gérome và trường gửi thư lên bộ đề nghị cho phép tham gia thi Prix de Rome nhưng không được chấp nhận vì không có quốc tịch Pháp.

Hồ sơ của Victor Tardieu: vào xưởng của Leon Bonnat ngày 21.10.1890, tức là 1 ngày sau khi Lê Văn Miến vào xưởng họa của Gérome. Hơn 8 tháng sau, Tardieu thi đậu và trở thành học sinh chính thức của trường MT Paris.

Như vậy, các thông tin như Lê Văn Miến bị Trường thuộc địa o ép, bị Gérome đối xử khắt khe, mật vụ khó dễ là không có cơ sở. Ngược lại, Lê Văn Miến đã được quan tâm giúp đỡ đặc biệt vì học giỏi, cũng không có chuyện ông bãi khóa. Các nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn việc được thi Prix de Rome với việc được cử đi Rome. Lê Văn Miến không phải học sinh chính thức của nhà trường MT Paris nên không được tham gia thi, tất nhiên ông không có bằng của trường này. Trường chỉ cấp bằng cho kiến trúc, còn hội họa và điêu khắc không có bằng, chỉ có chứng chỉ & giải thưởng nếu đạt giải trong các cuộc thi. Đối với Trường thuộc địa, đây là nơi an dưỡng của học sinh bản xứ trong khi họ theo học tại các cơ sở khác, không có chương trình dạy cho học sinh bản xứ và họ không học gì ở trường Thuộc địa.

Năm 1895, Lê Văn Miến trở về Việt Nam.

Có thể việc không có bằng đã ảnh hưởng tới con đường quan lộ sau này của cụ Miến do xã hội Việt Nam coi trọng bằng cấp.

Du nhập luật viễn cận vào Việt Nam:

Các loại viễn cận: song song, tuyến tính, cảm nhận, điểu khám, trùng khám, không khí, …

Tranh dân gian Việt Nam không có luật viễn cận, không tả khối, mảng bẹt, giống tranh dân gian Trung Quốc.

Luật viễn cận có xuất hiện trong tranh của họa sĩ VN minh họa các thánh tử vì đạo, giữa tk.19, khoảng 50 năm trước khi bức sơn dầu đầu tiên ở VN xuất hiện.

Các tranh được cho là của Lê Văn Miến vẽ:

Chân dung ông – bà Nguyễn Khoa Luận: không hoàn toàn tuân thủ luật viễn cận. Có thể do họa sĩ lúng túng khi ghép chiếc ghế ngồi từ ảnh chụp vào chân dung theo kiểu Tàu. Hoặc có thể do ngay buổi đầu họa sĩ Việt Nam đã đại khái trong việc vận dụng quy tắc hội họa. Tay rút ngắn không đúng tỷ lệ.

Chân dung ông bà Phan Văn Du: phối cảnh không hợp lý, giá trị nghệ thuật của hai bức này thấp hơn chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận.

Chân dung sơn dầu cụ Lê Hy: kỹ thuật vẽ trực tiếp, tranh sống động, lột tả được thần thái của người mẫu. Đôi mắt có hồn hơn mắt trong tranh của Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.

Bình Văn được đục lỗ can hình lên canvas, đây là phương pháp can hình lên tường để vẽ bích họa, không hiểu vì sao tác giả bức Bình Văn dùng phương pháp máy móc này trong khi có thể can hình theo cách khác đơn giản hơn. Phương pháp vẽ khác chân dung cụ Lê Hy. Lê Văn Miến có phải là tác giả của Bình Văn? Nếu không, Nguyễn Trang Thúc có thể là một ứng cử viên cho tác giả của bức tranh này?

Như vậy, ngay từ đầu thế kỷ XX Việt Nam đã để tuột mất cơ hội tiếp thu kỹ thuật sơn dầu từ người từng là học trò của Jean Leon Gerome, hay đời thứ 4 từ Jacques – Louis David. Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên vẽ tranh sơn dầu, du nhập kỹ thuật sơn dầu vào VN và chỉ điều này thôi đã đủ để ông chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử hội họa VN – vị trí không ai có thể thay thế được.

6 – Lê Huy Trấp: Họa sĩ Lê Văn Miến

– Các bà vợ và con của cụ Lê Văn Miến.

– Một số bức tranh đã mất/thất lạc của cụ Miến:

Tranh con trai đã mất của vợ chồng công sứ. Người con trai qua đời khiến vợ chồng công sứ rất đau buồn, nhờ họa sĩ vẽ. Khi ông giao tranh, người mẹ kêu lên: đúng con tôi đây rồi.

Người đàn bà và con mèo: con mèo được vuốt ve, âu yếm, tỏ thái độ rất thân mật.

7 – Lê Huy Tiếp: Bi kịch của cụ Miến lúc về nước

Bình Văn là của cụ Miến, còn 2 bức vẽ ông bà Phan Văn Du thì chưa chắc là tranh của cụ.

Có thể thấy sự không đồng đều về hình thức, chất lượng ở các bức tranh. Cụ Miến về nước lúc 21 tuổi, rất hào hứng, muốn vẽ và dạy để mọi người hiểu về nghệ thuật hàn lâm. Cụ chủ yếu vẽ chân dung bạn bè, những người mà cụ mang ơn. Ví dụ: chân dung Hoàng Cao Khải, chân dung các quan trong triều. Lê Huy Tiếp cho rằng những bức tranh này đã không còn nữa. Một số tranh thờ còn đến Cải cách ruộng đất thì bị đốt. Tranh vẽ Hồ Đắc Điềm hi vọng còn, sẽ cố gắng tìm thêm tranh khác của cụ.

Bình Văn có thể là bức đầu tiên được Lê Văn Miến vẽ khi về nước, đang rảnh rỗi và còn nhiều nhiệt huyết, khi đó cụ làm tại nhà in, trọ ở Kim Liên… Tất cả đều là giả thiết nếu như không tìm được cơ sở chính xác.

Năm 1982, bảo tàng Mỹ thuật cần chép bức Bình Văn để bảo quản. Bà Ánh Nguyệt nói chưa ai đụng tới bức Bình Văn nhưng năm 1982 Bảo tàng giao bức tranh cho Lê Huy Tiếp mang về nhà để chép một bức khác. Ông giữ bức tranh khoảng 1 tháng. Bức tranh khi đó hư hại nhiều, Lê Huy Tiếp dùng vec-ni phủ tranh để làm màu sống lại, không cho màu rơi ra. Vec-ni phủ tranh là vec-ni dùng cho sơn dầu, không phải chất liệu dùng cho sơn ta. Lê Huy Tiếp cũng muốn vẽ một bức bình văn hoàn chỉnh nhưng mới vẽ được khoảng 4 khuôn mặt và áo thì ông đi Nga lần 2, vợ ở nhà bỏ tranh đi. Sau đó, nhà bị cháy tấm lợp, bức tranh chép cũng bị cháy luôn.

Bình Văn được vẽ khi cụ Miến 21 tuổi, đến năm 23 tuổi cụ theo Đào Tấn vào Huế nên bức tranh bị dở dang.

“Cháu học vẽ làm gì, chú đây học giỏi ở Pháp về mà còn chẳng làm gì.”

Những gì sáng tác được là theo đơn đặt hàng, không thể không vẽ. Nhà vay nhà Lê Hy mâm cỗ để khao làng, nợ người ta, vẽ tranh có thể như một cách giả ơn. Nếu Bình Văn là của cụ Miến thì tranh Lê Hy là bức thứ 2. Xem tranh vẽ Lê Hy có thể thấy cường lực trong nét bút, nét khỏe, sắc sảo. Bức tranh hẳn được vẽ trong thời gian cụ về nước không lâu.

Sau khi lấy người vợ thứ 2 – con gái cụ Nguyễn Khoa Luận, Lê Văn Miến vẽ chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận.

Cụ Miến có 5 vợ và rất nhiều con. Sau khi sinh, vợ mất. Các bà đều là tiểu thư con quan nên đánh bạc rất kinh, cả uống rượu. Mỗi lần cụ Miến lĩnh lương đều phải trả tiền nợ. Bi kịch đời sống cá nhân. Có thể số cụ sát vợ thế nào đó, cụ có 5 vợ nhưng không có 2 vợ cùng lúc.

Đối với 2 bức chân dung ông bà Phan Văn Du: Chị ông Miến lấy chồng ở Thanh Chương, một người họ Phan. Xét theo khả năng này thì rất có thể 2 bức tranh là của cụ Miến. Gia đình họ Phan kể lại rằng có 1 người thanh niên đi Tây về, rất lãng tử, gia đình mời đến vẽ tranh. Ông ấy đến ăn cơm 3 bữa, đàm đạo, đến lần thứ 4 thì mang tranh đến, vẽ rất giống 2 ông bà khiến mọi người đều ngạc nhiên. Nhìn áo xanh trong tranh vẽ cụ Phan Văn Du thấy rằng người vẽ phải là người tài hoa, có học, hoa văn trên áo được vẽ rất điệu nghệ. Có thể ông này lên thăm chị, được mời đến nhà chơi, vẽ tranh như cách giả ơn. Thời đó các cụ coi trọng sự môn đăng hậu đối, đều là các gia đình danh giá, có học chơi với nhau. Lê Huy Tiếp cho rằng khuôn mặt trong tranh cũng vẽ hơi ẩu. Chất lượng không đồng đều theo thời gian có thể vì những nguyên nhân rất không nghệ thuật.

Nếu Nguyễn Đình Đăng không tìm ra cụ Nguyễn Trang Thúc, hai bức tranh ông bà Phan Văn Du có lẽ không phải nghi ngờ thêm. Nguyễn Trang Thúc cũng là con quan lại, được cử sang Pháp, cũng học Mỹ thuật Paris, cũng học Gérome, học sau cụ Miến 2 năm, cũng quê ở Vinh. Vì thế cần thời gian để khẳng định liệu ông Miến có phải là tác giả của 2 bức tranh. Cả 2 bức đã được tu sửa, nền trên và dưới không đồng đều, có thể là ảnh được tô màu lên, bột đá + keo dày nên lớp màu giòn, bị gãy ghê gớm. Chắn song vẽ rất ẩu, có thể không phải bản gốc.

Tất cả các tranh đều có kích thước không chuẩn, tranh đã bị cắt nhiều. Chân dung cụ Lê Hy bị cắt phía dưới ở phần chân. Cách đây 20 năm, Lê Huy Tiếp về quê, con cụ Lê Hy nhờ chép lại bức tranh. Lê Huy Tiếp đồng ý và vẽ đầy đủ chân dung, có phần chân. Cụ nghĩ tranh gốc mất phần dưới nên cụ bị đau chân, vì thế xem tranh Lê Huy Tiếp vẽ cụ rất vui, đồng ý đổi tranh của cụ Miến lấy tranh của Lê Huy Tiếp. Sau này dân làng bảo tranh quý, bán được nhiều tiền, con cháu cụ ra Hà Nội đòi lại tranh cũ với lý do sau khi đổi tranh, cụ bị mệt. Lê Huy Tiếp buộc phải trả tranh.

Cuối đời cụ Miến bị lòa. Lê Huy Trấp ban nãy nói do bác sĩ Pháp tiêm thuốc, làm cụ hỏng mắt. Nhưng Lê Huy Tiếp cho là do sức khỏe cụ Miến về già không tốt. Khi về già, cụ chán đời, có uống rượu, có thể vì thế mà mắt yếu rồi mờ dần. Sau khi rời quan trường, giả lại nhà cho triều đình, là quan thanh liêm, không tham ô nên cụ không có nhà riêng, các học trò góp tiền mua 1 căn nhà nhỏ ở Phong Điền cho thầy. Đất trong nội thành Huế đắt nên mua phía bên ngoài.

8 – Phan Luân: kể lại câu chuyện về 2 bức tranh ông bà Phan Văn Du

Người vẽ tranh là một thanh niên lịch lãm, học ở Tây về, rất tự tin, đến chơi với gia đình, nói chuyện văn, thế sự, mấy hôm sau mang tranh lại. Cả nhà vô cùng sững sờ khi thấy tranh. Chỉ nhờ trí nhớ mà vẽ giống như vậy, đó là sự kiện của cả làng.

Gia đình họ Phan ở Thanh Chương. Phan Bá Hòe, Phan Thúc Ngô được truy tặng là nhân sĩ yêu nước do sau này người ta tìm hiểu ra khi các cụ làm quan đã giúp đỡ nhiều người, tuy vậy trước đó các cụ đều chết trong tay cộng sản. Thời cải cách ruộng đất là thời gian cực kỳ khổ cực. Cậu cả bị quy là địa chủ. Vợ cậu cả, vì uất ức, đã vào nhà thờ treo 2 bức tranh của các cụ tự vẫn. Có lẽ vì lý do đau đớn đó mà nhà thờ không bị đụng đến, 2 bức tranh được giữ nguyên, không bị đốt. Dòng họ Phan ở Võ Điền Thanh Chương bỏ mảnh đất ông cha để lại đi tứ xứ, hiện nay ở làng không còn một đinh nào.

9 – Phạm Trung:

Cho rằng 2 bức tranh ông bà Phan Văn Du là của cụ Miến vẽ:

– Nhà họ Phan ở Thanh Chương. Cụ Phan Bội Châu dạy học ở nhà Phan Sĩ. Phan Bội Châu và Lê Văn Miến có giao lưu. Có thể học trò của cụ Phan Bội Châu mời bạn của thầy là cụ Miến vẽ tranh chân dung bố mẹ.

– Chị cụ Miến lấy chồng là người họ Phan.

– Theo lời kể của con cháu, 2 bức chân dung được vẽ theo trí nhớ (tương tự như bức cụ Tú Mền, vẽ sau 3 tháng). Bàn tay trong bức chân dung hơi thô. Cách nhớ chân dung rồi vẽ lại này trùng hợp với cách vẽ của cụ Miến.

– Không đồng đều về chất lượng từ bức Bình Văn trở về sau, có thể cụ học kỹ thuật ở châu Âu, học của Gérome thật nhưng về Việt Nam đã đại khái đi. Ví dụ, bức cụ ông Nguyễn Khoa Luận, chỉ chú ý khuôn mặt, vẽ chi tiết chòm râu, lông mày, nhưng tràng hạt chỉ gợi, có thể đọc được trang kinh trên cuốn sách nhưng hàng chữ bị thẳng chứ không gợi chiều sâu.

Bình Văn: can hình lên canvas rồi vẽ các lớp màu

Các bức chân dung: vẽ trực tiếp

–> đa phong cách trong cách vẽ.

10 – Lê Huy Khiêm

Tên chính xác của cụ Miến là Lê Văn Miến, theo gia phả. Cụ Miến là thầy dạy của bác Hồ, theo lời kể của Bác, tên của cụ cũng là Lê Văn Miến. Đề nghị mọi người từ giờ chỉ dùng tên Lê Văn Miến, không gọi cụ là Lê Huy Miến nữa.

Đoạn sau, chạy mưa về sớm nên không biết còn ai thảo luận…

Leave a comment